Với tinh thần quyết tâm, sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện, công tác thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt kế hoạch đề ra. Tính đến năm 2015, trên địa bàn huyện có 01 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, 01 xã đạt 10 tiêu chí, 02 xã đạt 08 tiêu chí, 05 xã đạt 07 tiêu chí và 01 xã đạt 06 tiêu chí; bình quân tiêu chí đạt chuẩn cho 01 xã là 8,6 tiêu chí/xã, tăng 6,4 tiêu chí so với năm 2011.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện, các xã thành lập các ban chỉ đạo, tổ chuyên trách từ huyện đến cơ sở; đồng thời ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo. Song song với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác tuyên truyền, vận động cũng được quan tâm thường xuyên với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: xây dựng, phát hành đĩa CD, tuyên truyền bằng Pano, áp phích, tờ rơi, hội thảo, hội nghị, tuyên truyền trên sóng Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện và Trạm Truyền thanh các xã, thị trấn…bên cạnh đó, phối hợp với các ngành liên quan phát động và thực hiện tốt phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”.
Qua 05 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, kinh tế huyện tăng trưởng khá, quy mô được nâng lên. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2015 đạt 79, 85 tỷ đồng, tăng bình quân 9,89%; sản lượng lương thực có hạt đạt gần 31 ngàn tấn, tăng 5,7%/năm; tổng đàn gia súc gia cầm tiếp tục được duy trì; thủy sản phát triển khá, giá trị ước đạt 8,60 tỷ đồng, tăng 13,70 %; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 93,70 tỷ đồng, tăng 21,10%; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 50,80 tỷ đồng, tăng hằng năm 21,10%; tiểu thủ công nghiệp được duy trì và quan tâm chú trọng, thành lập các tổ hợp tác, tổ sản xuất, câu lạc bộ trên địa bàn xã.
Công tác nghiên cứu chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được chú trọng; triển khai dự án bảo tồn và phát triển chè dây, dự án cải tạo năng suất chất lượng cây bòn bon bản địa, khảo nghiệm cây keo lai và chuối lùn cấy mô, mít Thái Lan và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Tổ chức 17 lớp đào tạo nghề nông thôn cho 525 học viên và 10 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 322 nông dân; năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 18, 51% tổng số lao động trong độ tuổi, 90 % lao động nông thôn có việc làm thường xuyên.
Cơ sở hạ tầng được tăng cường đầu tư, đã hoàn thành 36,2 km trục liên xã, 39,3 km đường thôn xóm và 25,7 km đường giao thông nội đồng; xây dựng mới 10 công trình thủy lợi, sửa chữa nâng cấp 61 công trình thủy lợi, kiên cố được 30,5 km kênh mương bằng ống nhựa đáp ứng nhu cầu tưới tiêu>90% diện tích đất canh tác; xây dựng mới và nâng cấp 41 công trình trường học, 03 trạm y tế, 02 trụ sở UBND xã; xây dựng và sửa chữa 926 nhà ở cho cư dân nông thôn;… với tổng vốn đầu tư 504.109,518 triệu đồng. Tổng nguồn vốn huy động đầu tư, hỗ trợ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2011-2015 là 697.839,063 triệu đồng; trong đó vốn đóng góp cộng đồng dân cư 5,5 tỷ đồng thông qua hiến đất, đóng góp ngày công lao động, vật tư làm chuồng trại và tài sản hoa màu.
Về công tác văn hóa, xã hội và môi trường đã có những chuyển biến tích cực, phong trào xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa được đẩy mạnh, các hoạt động văn hóa, lễ hội, thông tin, thể dục, thể thao được chú trọng, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, việc bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống Cơ tu được quan tâm và thực hiện có kết quả; đến nay, có 03/10 xã có nhà văn hóa, 01 xã có khu thể thao, 66/78 thôn có nhà Gươl, nhà sinh hoạt cộng đồng, 54/78 thôn đạt thôn văn hóa các cấp và 3.459/4.930 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và hoàn thành công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi ở 10/10 xã; quy mô trường lớp được mở rộng, có 03 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 tăng 02 trường so với năm 2011. Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân; phát động hướng dẫn người dân hưởng ứng tích cực ngày môi trường thế giới, dọn vệ sinh, làm đẹp đường làng ngõ xóm, trồng và bảo vệ rừng đảm bảo môi trường cảnh quan, vệ sinh môi trường nông thôn.
Có thể khẳng định rằng, qua 05 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn kịp thời và thường xuyên; nhận thức và sự hưởng ứng của người dân ngày càng được nâng lên; các chỉ tiêu, kế hoạch cơ bản về xây dựng hàng năm đều đạt, nhất là trong năm 2015 có 01 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm như: kinh tế huyện tăng trưởng nhưng thiếu bền vững, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới chưa được cấp ủy, chính quyền quan tâm đẩy mạnh; một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa, nội dung chính sách xây dựng nông thôn mới; khả năng huy động nguồn lực thực hiện còn thấp, chủ yếu từ ngân sách của Trung ương.
Thời gian tới, huyện Đông Giang tiếp tục rà soát, kiện toàn Bộ máy chỉ đạo và quản lý, thực hiện chương trình từ huyện đến thôn; chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới theo đúng quy hoạch và Đề án xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân theo tinh thần Chỉ thị 30-CT/TU, ngày 24/4/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ thị 17/CT-UBND ngày 09/9/2013 của UBND tỉnh Quảng Nam; đồng thời phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, sự tham gia của người dân trong công tác tuyên truyền, vận động. Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng những vùng chuyên canh tập trung các loại cây con chủ lực theo định hướng quy hoạch kinh tế-xã hội; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp gắn với xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đẩy mạnh vận động người dân thi đua hưởng ứng tích cực các phòng trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; duy trì và đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, phong trào quần chúng tham gia xây dựng hệ thống chinh trị cơ sở vững mạnh, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân