Nhiệt tình là chính
Ông Đinh Hiếu Trung - Bí thư Đảng ủy xã Tam Xuân 1 (Núi Thành) chia sẻ: “Chúng tôi xác định trước mắt phải làm sao để mỗi người dân trong xã hiểu được lợi ích của việc xây dựng NTM. Để làm được điều đó, Đảng ủy xã đã tăng cường công tác chỉ đạo, đưa vào chương trình hoạt động một cách thường xuyên. Đồng thời, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, các hội đoàn thể luôn linh hoạt trong việc đưa các thông tin cần thiết đến người dân”. Tuy nhiên, do khối lượng thông tin khá lớn buộc cán bộ xã Tam Xuân 1 phải dành nhiều thời gian ngoài giờ làm việc để nghiên cứu, tuyên truyền cho nhân dân. “Nếu mỗi cán bộ không nhiệt tình, nỗ lực, tôi e rằng khó để người dân có thể tiếp cận được với mục tiêu xây dựng NTM. Hiện nay, chúng tôi còn tăng cường tuyên truyền xây dựng NTM qua đài truyền thanh xã, mua và cấp phát ấn phẩm báo chí để người dân chủ động trong việc tiếp nhận thông tin” - ông Trung nói.
Mục tiêu xây dựng NTM là một chủ trương được toàn thể người dân đồng lòng ủng hộ. Chính điều này là một lợi thế để chính quyền địa phương đẩy nhanh chương trình xây dựng NTM. Và trong khó khăn chung về nguồn vốn điều phối của chương trình, nhiều cán bộ xã đã tiên phong chấp nhận thiệt thòi để bắt tay vào cuộc. “Khi bắt đầu công tác dồn điền đổi thửa vào năm 2009, chúng tôi phải đến từng nhà giải thích cho người dân hiểu được lợi ích của công tác này. Đến hôm nay, khi thấy được thành quả từ sự nhiệt tâm của mình, chúng tôi rất hạnh phúc” - ông Đoàn Thanh Quang, Phó ban Nông nghiệp xã Tam Hòa (Núi Thành) tâm sự.
Có một thực trạng đang tồn tại là các xã không có cán bộ chuyên trách; Ban chỉ đạo xây dựng NTM cấp xã đều do cán bộ xã kiêm nhiệm. Vì thế, việc bị chi phối bởi công tác hành chính đã khiến cho sự tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình NTM chưa được quan tâm đúng mức. Huyện Điện Bàn đến nay đã có 6 xã phát động xây dựng NTM, xã nào cũng có đặc thù riêng, không thể áp dụng một mô hình chung để triển khai, do vậy rất cần một đội ngũ cán bộ chuyên trách. Theo ông Thân Trọng Vũ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Điện Bàn, ít nhất mỗi xã cần đến 3 cán bộ chuyên trách để chuyên lo các khâu sản xuất, chủ trương và quy hoạch. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có một cơ chế nào để hình thành đội ngũ cán bộ chuyên trách NTM, các cán bộ kiêm nhiệm của các xã hầu như không thể đảm đương, kiến thức về NTM chỉ mới được trang bị qua loa, tự cập nhật và dựa vào kinh nghiệm bản thân là chính. “Từ nay đến năm 2015, Điện Bàn sẽ phát động xây dựng NTM ở các xã còn lại. Chỉ có chuẩn bị một đội ngũ cán bộ có chuyên môn, chuyên trách NTM thì mới đảm bảo phong trào mang lại hiệu quả” - ông Vũ nói.
Cần đào tạo cán bộ chuyên trách
Ông Nguyễn Văn Gặp - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay Văn phòng điều phối đã tổ chức 4 lớp tập huấn nghiệp vụ NTM cho khoảng 400 cán bộ cấp huyện, xã và các huyện cũng đã tự triển khai tập huấn cho hơn 1.000 lượt cán bộ xã. Tuy nhiên, trong các buổi tập huấn học viên chủ yếu được truyền đạt về kỹ năng tuyên truyền. Các vấn đề chuyên sâu về chuyên môn vẫn chưa được tiếp cận. Theo ông Gặp, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho việc thực hiện chương trình xây dựng NTM do các bộ, ngành ban hành luôn thay đổi đã gây nhiều khó khăn trong công tác tập huấn, đôi lúc việc tập huấn không theo kịp sự thay đổi này và trở nên lạc hậu.
Chính vì việc tập huấn còn ít, kiến thức thu nhận được từ các buổi tập huấn chưa nhiều đã gây lúng túng cho cán bộ cơ sở khi triển khai công tác xây dựng NTM. “Chúng tôi đã cố gắng tự nghiên cứu tài liệu, văn bản liên quan nhưng do có nhiều sự thay đổi, nhiều điểm chưa rõ ràng nên rất khó khăn khi triển khai. Trong khi đó, việc tập huấn chưa kịp thời làm chúng tôi không nắm hết được nội dung, không biết thực hiện thế nào cho chính xác” - ông Trần Thanh Long, Bí thư Đảng ủy xã Bình Trung (Thăng Bình) chia sẻ. Cùng quan điểm, ông Đinh Hiếu Trung - Bí thư Đảng ủy xã Tam Xuân 1 cho rằng, tập huấn như hiện nay là quá ít về thời lượng, đơn điệu về nội dung. Hệ quả của việc này là khi cán bộ xã về tập huấn lại cho cán bộ thôn, tổ dân cư thì gần như chỉ truyền đạt lại những gì mình nghe được và dễ dàng bị “bắt bí” khi cán bộ thôn có thắc mắc cần giải đáp. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có đề xuất để được quan tâm hơn nữa trong công tác đào tạo cán bộ thực hiện chương trình xây dựng NTM. Sẽ là vượt quá khả năng khi đến từng xã tổ chức tập huấn cho địa phương, nên chúng tôi sẽ thực hiện phương thức đào tạo cán bộ nòng cốt cho các huyện một cách bài bản để sau đó về đào tạo lại cho cán bộ NTM ở cơ sở. Như thế sẽ thiết thực hơn, phù hợp hơn và sát với thực tế ở mỗi địa phương” - ông Nguyễn Văn Gặp nói.
Đội ngũ cán bộ là một khâu quan trọng, quyết định hiệu quả quá trình xây dựng NTM. Đồng thời, đây cũng là một trong 19 tiêu chí cần phải đạt được trong mục tiêu xây dựng NTM. Đã đến lúc phải có sự đầu tư đúng mức để hình thành đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác này.