|
Cơ sở sản xuất nấm linh chi tại Trung tâm Ứng dụng & thông tin KH-CN tỉnh (Sở KH-CN). Ảnh: H.L |
Tác động rõ nét
Đề cập thành quả của ngành khoa học công nghệ (KH-CN), ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN cho biết, từ năm 1997 tới nay, đã có gần 470 nhiệm vụ KH-CN được triển khai phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh. Trong đó có 26 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia, 250 nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh, 190 nhiệm vụ và mô hình ứng dụng KH-CN cấp huyện, 3 nhiệm vụ hợp tác với Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam. Trong số đó, có nhiều nhiệm vụ, mô hình ứng dụng phát huy hiệu quả trong thực tiễn như: các mô hình/dự án bảo tồn, phục tráng các nguồn gen quý hiếm, có giá trị về kinh tế như sâm Ngọc Linh, tiêu Tiên Phước...
Trong lĩnh vực khai thác, chế biến thủy hải sản, nhiều mô hình sản xuất an toàn, hiệu quả phù hợp với từng vùng sinh thái, các phương thức khai thác thủy sản tiên tiến (ứng dụng điện mặt trời và đèn led trên tàu lưới vây, chụp mực 4 tăng gông, nghề lưới rê hỗn hợp, nghề câu vàng khai thác mực tầng đáy) đã được triển khai hiệu quả. Đặc biệt, việc chú trọng đầu tư KH-CN vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp qua dự án cấp nhà nước được Bộ KH-CN phê duyệt, do Công ty CP Trường Hải làm chủ công nghệ “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy kéo 4 bánh đến 50HP mang thương hiệu Việt Nam”. Cùng với sản phẩm sâm Ngọc Linh, sản phẩm máy kéo nông nghiệp của Trường Hải ở Quảng Nam được kỳ vọng trở thành sản phẩm quốc gia.
Tại hội thảo “KH-CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam”, bà Lương Thị Thủy - Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở NN&PTNT) cho rằng, điểm nổi bật trong ứng dụng KH-CN vào lĩnh vực trồng trọt của tỉnh là đã thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa cho năng suất cao, tránh yếu tố thời tiết bất lợi. Trên lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh đã ứng dụng rộng rãi công nghệ thụ tinh nhân tạo cho bò và heo; đã đa dạng hóa đối tượng vật nuôi ở vùng triều, nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện, thủy lợi, áp dụng các chế phẩm vi sinh vào nuôi trồng. Trong lâm nghiệp, cũng đã ứng dụng thành công việc đưa giống keo lai bằng phương pháp giâm hom, nuôi cấy mô tế bào thay cho keo ươm từ hạt là tăng năng suất rừng trồng...
Tuy nhiên, bà Thủy cũng nhìn nhận, việc ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp còn chậm, chưa đồng bộ và chưa có tính đột phá. Ứng dụng KH-CN chủ yếu ở khâu sản xuất, chưa chú trọng đến các khâu thu hoạch, bảo quản chế biến, đóng gói nông sản. Nông nghiệp công nghệ cao được ứng dụng cục bộ từng khâu, từng công đoạn riêng lẻ nên chưa tạo đột phá trong nâng cao chuỗi giá trị của từng ngành hàng. Để KH-CN trở thành nền tảng, động lực của sự phát triển, cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên và có chiến lược đầu tư mạnh cho nông nghiệp, nâng tỷ trọng, hàm lượng KH-CN trong sản phẩm nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh trên thị trường…
Tạo đột phá cho nông nghiệp
Bà Lương Thị Thủy cho biết, mục tiêu giai đoạn 2018 - 2030, trên lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp chú trọng chuyển đổi cơ bản sang phương thức chăn nuôi gia trại, trang trại theo hướng công nghiệp; ứng dụng đồng bộ tiến bộ KH-CN từ con giống, thức ăn đến tự động hóa toàn bộ hoặc từng phần khâu chăm sóc nuôi dưỡng, bảo đảm quản lý tốt an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm. Ở lĩnh vực lâm nghiệp, nghiên cứu ứng dụng nhanh các giống mới (giống tuyển chọn từ nhập nội, giống keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào…) và chuyển đổi mạnh trồng rừng nguyên liệu giấy hiện nay sang áp dụng quy trình trồng rừng gỗ lớn để đến năm 2025 năng suất và thu nhập rừng trồng tăng 1,5 lần và đến năm 2030 tăng gấp 2 lần so với 2016. Trong lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, chủ trương của Sở NN&PTNT là ứng dụng đồng bộ các thiết bị hỗ trợ cho đánh bắt cá và bảo quản sơ chế nhằm nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ…
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN cho biết, trên cơ sở tham mưu của Sở KH-CN, đầu năm 2018, UBND tỉnh đã ký kết chương trình hợp tác với Bộ KH-CN với 5 nội dung hợp tác và 18 nhiệm vụ cụ thể giai đoạn 2018 - 2025. Trong 5 nội dung hợp tác này, có thể thấy, tỉnh xác định đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thứ nhất, đó là nhiệm vụ hỗ trợ phát triển các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực của tỉnh (sâm Ngọc Linh, quế Trà My, ô tô, máy kéo nông nghiệp…) nhằm tạo các sản phẩm cạnh tranh, giá trị cao cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh. Thứ hai, tập trung xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp an toàn; triển khai ứng dụng các nhiệm vụ KH-CN ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, hiệu quả kinh tế cao. Xây dựng chuỗi giá trị từ nuôi trồng tới chế biến, tiêu thụ, tăng sức cạnh tranh. Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến giải quyết các vấn đề về môi trường nông thôn; giải quyết các vấn đề môi trường trong chăn nuôi, xử lý rác thải sinh hoạt. Thứ tư, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên. Thứ năm là đầu tư phát triển tiềm lực KH-CN cho nghiên cứu, phát triển và kiểm nghiệm chất lượng sâm Ngọc Linh.