|
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải thăm hỏi già làng Bhơ Hôhông (xã Sông Côn). Ảnh: XUÂN NGHĨA |
Theo báo cáo UBND Đông Giang, công tác xây dựng khu dân cư văn hóa, đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa trên địa bàn được nhân dân hưởng ứng và mang lại nhiều kết quả cao. Mỗi năm tỷ lệ gia đình văn hóa tăng 1,4% trở lên; tỷ lệ thôn văn hóa tăng 4,5%. Đến nay, toàn huyện có 74/95 thôn văn hóa, đạt tỷ lệ 77,89%; huyện có 3.739/5.596 hộ được công nhận gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 66,8%. Công tác bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị văn hóa người Cơ Tu được các cấp, các ngành quan tâm duy trì thường xuyên; tổ chức sưu tầm, bảo tồn vật dụng sinh hoạt và công cụ lao động sản xuất truyền thống người Cơ Tu để đưa vào lưu giữ tại trung tâm văn hóa huyện gồm các mô hình: Làng cổ Cơ Tu; Gươl, Ping (nhà mồ); Adoong (gùi); trang phục nam, nữ; bộ cồng chiêng…
Cùng với các hoạt động bảo tồn văn hóa, những năm qua huyện đã đầu tư khôi phục và phát triển 3 làng nghề truyền thống: Dệt thổ cẩm ở thôn Đhrôồng, xã Tà Lu; làm rượu Tà Vạc, thị trấn Prao; làng truyền thống thôn Bhôồng 1, xã Sông Côn. Công tác bảo vệ trùng tu, tôn tạo và quản lý các di tích lịch sử được chú trọng, huyện đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để khoanh vùng bảo vệ, gắn bia di tích 3 di tích lịch sử cấp tỉnh và thành lập Câu lạc bộ nói lý, hát lý tại xã Ba, Arooi với 10 thành viên/câu lạc bộ. Hiện trên địa bàn huyện có 2 điểm du lịch cộng đồng tại thôn Bhôồng 1 (Sông Côn), Đhrôồng xã Tà Lu. Trong đó, huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành khảo sát các điểm du lịch sinh thái đồi chè nông trường Quyết Thắng, hang Gợp và du lịch lòng hồ thủy điện A Vương (xã Mà Cooih)... Đến cuối 2013, toàn huyện có 10/11 xã thị, trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học; có 3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức gắn với quy hoạch cán bộ được rà soát, bổ sung hằng năm nhằm tạo nguồn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Sau khi nghe ý kiến của thành viên trong đoàn, các ngành của tỉnh và huyện, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo của huyện Đông Giang trong thời gian qua. Đồng chí yêu cầu huyện cần tập trung khắc phục những bất cập trong công tác tái định cư thủy điện, không để xảy ra điểm nóng; phát triển bảo tồn bản sắc văn hóa, tạo sự đồng thuận và chuyển biến nhận thức của người dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải đề nghị huyện phải tập trung phát huy bản sắc văn hóa Cơ Tu gắn phát triển du lịch, giáo dục để xây dựng NTM; trong đó yêu cầu doanh nghiệp đầu tư vào địa phương phải có trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Tập trung xây dựng mô hình du lịch phù hợp cho từng vùng, trong đó chú trọng xây dựng thương hiệu chè Quyết Thắng; tiếp tục phát triển du lịch tại làng dệt thổ cẩm ở thôn Đhrôồng (xã Tà Lu) và làng truyền thống thôn Bhôồng 1, xã Sông Côn. Huyện phải rà soát, tổng kết mô hình quản lý giáo dục trên địa bàn để tạo nguồn cán bộ trong thời gian đến và xem lại chính sách luân chuyển giáo viên…
* Trước đó, sáng 10.2, đoàn công tác Thường trực Tỉnh ủy do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra công tác xây dựng NTM tại xã Ba (Đông Giang); đến thăm, tặng quà nhân dịp đầu xuân mới cho các thầy cô giáo trường THPT Âu Cơ tại xã Ba; kiểm tra việc trồng cây cao su của Công ty Cao su Nam Giang tại thôn Vàu (xã Tư). Dịp này, đoàn công tác Thường trực Tỉnh ủy cũng đến thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách ở thôn Bhơ Hôhông (xã Sông Côn, Đông Giang).