Chi tiết tin

Đông Giang: Loay hoay với bài toán nâng cao chất lượng giáo dục
Người đăng: SuperUser Account .Ngày đăng: 02/08/2018 .Lượt xem: 835 lượt.
Cũng giống như nhiều địa phương miền núi khác của tỉnh, sự nghiệp trồng người của huyện Đông Giang vẫn đang loay hoay với nhiều khó khăn, bất cập mà hai vấn đề nan giải nhất hiện nay là thiếu trường, lớp, trang thiết bị và chất lượng thấp.

“Bài ca” muôn thuở

Vài năm trở lại đây, sự nghiệp trồng người của huyện Đông Giang đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Dù là địa phương có đến 7/11 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn nhưng nhờ quan tâm đến việc phát triển mạng lưới trường, lớp nên đến nay, hầu hết học sinh (HS) ở các bậc học của huyện đều được thuận lợi để đến trường. Hiện toàn huyện có 3 trường mầm non, 9 trường tiểu học và 8 trường THCS và phổ thông cơ sở; trong đó có 2 trường bán trú cụm xã và 1 trường phổ thông dân tộc nội trú huyện. Cạnh đó, phần lớn các trường đều thành lập cơ sở lẻ tại các điểm thôn, thậm chí một số trường có đến 5 cơ sở lẻ đã giúp cho các em HS đi học thuận tiện, hạn chế việc phải trèo đèo lội suối và nhất là rút ngắn khoảng cách từ nhà đến trường.

 Huyện Đông Giang có 3 trường mầm non, 9 trường tiểu học, 4 trường THCS, 3 trường phổ thông cơ sở và 1 trường phổ thông dân tộc nội trú huyện. Hiện toàn ngành có 443 cán bộ, giáo viên; trong đó 10 giáo viên là người dân tộc thiểu số, còn lại là từ các huyện đồng bằng lên công tác.

Huyện đã có 8 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập THCS; 3 xã Ating, Arooi, Mà Cooih đang thực hiện những công việc cuối cùng để đề nghị tỉnh kiểm tra công nhận đạt chuẩn vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, so với nhu cầu học tập của con em địa phương thì rõ ràng, mạng lưới trường lớp của huyện Đông Giang hiện nay vẫn chưa đáp ứng, nhất là mạng lưới trường của bậc học mầm non còn quá mỏng. Dẫu không còn xã trắng về giáo dục mầm non nhưng toàn huyện mới có 3 trường, còn lại chỉ là các lớp mầm non được ghép chung với trường tiểu học, THCS. Điều này gây khó khăn cho việc nâng cao chất lượng, không thích hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học trò. Tương tự, trường học bậc THCS mới chỉ được thành lập tại 8 xã, thị trấn nên HS của 3 xã còn lại (Tà Lu, Sông Kôn và Arooi) phải cắp sách đến trường của các xã bên để học. Do địa bàn rộng, giao thông cách trở, nhiều em phải mất hàng giờ cho việc đi lại mới có thể tới lớp.

Cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp cũng là một thực trạng đáng lo của giáo dục Đông Giang hiện nay. Dù không phải học ca ba như các năm trước nhưng ở nhiều trường, HS vẫn ngồi học trong những phòng học xuống cấp, thiếu ánh sáng, thiếu các tiện nghi. Cạnh đó, phòng bộ môn, thí nghiệm thực hành gần như không có gì; trang thiết bị phục vụ dạy và học quá thiếu thốn và sử dụng không hiệu quả do chưa đồng bộ, không có phòng ốc để giảng dạy. Chính vì vậy, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia của huyện đến nay vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.

Bài toán chất lượng

Chất lượng giáo dục chưa cao nên số lượng học sinh Đông Giang đi học bậc THPT không nhiều.

Đến nay, Đông Giang đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và đang trong giai đoạn cuối cùng của công tác phổ cập THCS. Đây là một sự nỗ lực rất lớn của huyện trong việc nâng cao dân trí, góp phần cùng với tỉnh hoàn thành mục tiêu phổ cập THCS vào năm 2009. Dù vậy, tỉ lệ đạt chuẩn của nhiều xã còn thấp, chưa có tính bền vững cao nên rất dễ xảy ra tình trạng “rụng” chuẩn. Việc mở các lớp bổ túc để thực hiện công tác phổ cập THCS là giải pháp đúng, kịp thời nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, nhất là khi toàn ngành đang đẩy mạnh cuộc vận động “hai không”. Tuy nhiên, huyện không thể không mở các lớp bổ túc bởi tình trạng HS bỏ học còn nhiều, nhất là HS bậc THCS và đây là bài toán khó của địa phương lâu nay. Các giải pháp để hạn chế tình trạng HS bỏ học đã được các ngành và chính quyền các xã, thị trấn của huyện Đông Giang đưa ra trong thời gian qua được coi là khá quyết liệt nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả cao nhất.

Với khoảng 80% HS là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên vấn đề chất lượng luôn được ngành GDĐT Đông Giang quan tâm. Tuy nhiên, do khó khăn về trường, lớp, điều kiện học tập của HS nên chất lượng giáo dục vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Hàng năm, tỉ lệ HS xếp loại học lực yếu kém toàn huyện ở bậc tiểu học chiếm gần 30%, bậc THCS gần 36% là những con số khiến cho nhiều người làm giáo dục của Đông Giang phải suy nghĩ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều em bỏ học giữa chừng vì theo học không nổi dẫn đến chán nản. Một trong những bất cập của giáo dục Đông Giang là tình trạng lớp ghép. Đến nay, toàn huyện vẫn còn tồn tại 22 lớp ghép ở bậc tiểu học. Với những lớp học như thế này, dù chỉ là ghép hai trình độ thì chất lượng cũng không thể cao được.

Bên cạnh nỗi lo về cơ sở vật chất, sự nghiệp trồng người của huyện Đông Giang cũng đang loay hoay với bài toán nâng cao chất lượng. Bí thư Huyện ủy Đông Giang Nguyễn Bằng cho biết, huyện ủy đã có nghị quyết về phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, trong đó ưu tiên đầu tư cho giáo dục mầm non, xem đây là chìa khóa để nâng cao chất lượng của các bậc học lớn hơn nói riêng, chất lượng giáo dục nói chung. Tuy nhiên, quyết tâm thôi chưa đủ. Sự quan tâm của huyện, nỗ lực của ngành giáo dục nơi đây cũng chỉ là một phần; sự cộng hưởng của cả cộng đồng xã hội, trong đó vai trò của các bậc phụ huynh, người học, sự hỗ trợ của tỉnh sẽ góp phần quan trọng đến việc làm thay đổi mạnh mẽ sự nghiệp nâng cao dân trí của địa phương giàu truyền thống cách mạng này.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Vựa lúa Arooi
Hàng nông sản về xuôi phục vụ Tết
Giúp đoàn viên, thanh niên có một mùa hè bổ ích, lành mạnh
Các tin cũ hơn:
Đông Giang: Giải ngân hơn 1,35 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới
Đông Giang phải phát huy bản sắc văn hóa Cơ Tu gắn với xây dựng nông thôn mới
Đông Giang mở lớp nghề may công nghiệp cho nữ thanh niên
https://youtu.be/sPOFzH05Zi0

Dịch vụ công


Một cửa điện tử
https://motcua.quangnam.gov.vn/

Tra cứu văn bản

1 2

Bản đồ hành chính

Dự báo thời tiết

Đông Giang

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

BẢN QUYỀN ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ AROOI
Địa chỉ : Xã Arooi - Huyện Đông Giang - Quảng Nam
Điện thoại:0868.377.723 (A Bảy CT)
Email: arooidonggiang@quangnam.gov.vn
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)